ĐẺ THUÊ - TRẦN YÊN HÒA

Pháp luật có cấm đẻ thuê không? Bị phạt ...

 

Buổi chiều đổ xuống vội vã. Trời mới còn hững sáng đó mà chỉ thoáng chốc là bóng tối đã dày đặc vây quanh thành phố. Khu Ngã Bảy rộn ràng xe cộ. Những chiếc xe tải, xe hơi nhà, xe gắn máy chạy dày đặc trên đường. Những căn nhà từ từ sẩm lại. Đèn được  thắp sáng lên. Thành phố trở nên rực rỡ. Nhất là những tấm bảng quảng cáo lập loè ánh điện màu luôn luôn chớp tắc. Ngã bảy, ngã bảy. Đúng đây rồi. Những con đường chụm lại rồi bung ra. Cũng đã hơn hai mươi năm rồi chứ ít sao? Hai mươi năm với một đời thật dài dằn dặt. Thời gian trôi qua nhanh quá.

<!>

Nhât bước đi bộ trên lề đường. Anh tìm kiếm một con số, những con số được làm bằng những chữ mạ vàng. Chữ nào cũng to và hiển hiện. Công ty, hàng quán, dịch vu. Không phải, anh nhẫm lại địa chỉ, cái địa chỉ nhiều gạch như thế này là phía bên trong. Những con hẽm ngoằn ngoèo nối bên kia thông vào trong các xóm. Ngã bảy, đường Pétrus Ký, đường Lý Thái tổ, đường Minh Mạng, bây giờ đã đổi tên. Lê Hồng Phong, Ngô gia Tự, cái tên nghe lạ hoắc. Đường phố trở nên lạ lẫm, Bùng binh Ngã Bảy có xây thêm những gờ tường thấp đệm vào như những nét chấm phá nguệch ngoạc, lạc lỏng.

Nhật đi quành lên đường Minh Mạng bây giờ là Ngô Gia Tự. Nơi đây có hàng dãy những cửa hàng bán bàn ghế, sofa, tủ giường.  Anh đưa mắt dò từng con số, đây rồi, đúng là chung cư Minh Mạng cũ, cũng chẳng có gì khác xưa, màu tường đã bạc phếch, những cửa sổ hành lang phơi đầy quần áo, những ống nước, những máng xối đã cũ sắp rơi, mắc tòn teng trên những gờ tường cao tít. Nhật chặt lưởi, không an toàn chút nào, nếu lỡ mà rơi xuống đụng người đi đường thì sao?

Người phía dưới thì đông đúc, những quán cà phê lề đường chật đầy người, người ta ra ngoài ngồi quán là để kiếm chút gió mát và cái không khí náo nhiệt của người qua kẻ lại, để quên đi những nổi nhọc nhằn của cuộc sống. Ngồi quán là cái thú của người dân Sài Gòn bình dân mà. Nhật đi lên lầu khu chung cư, anh tìm số nhà. Bước lên cái thang gác đúc bằng ximăng đã lâu không được chùi rữa trở nên một màu đen xỉn. Dừng bước trước một con số, đúng đây rồi, anh nhìn căn nhà phía ngoài, tường còn mới, chắc là những vụ “chạy cò” thành công, nên Sương mới có tiền sơn sửa lại ngôi nhà.

Nhật gỏ cửa.

Tiếng người đàn bà phía trong hỏi vọng ra:

-Ai đó?

- Tôi đây, Nhật.

- Đợi em chút xíu.

Đợi chừng một hai phút, có tiếng dép lẹp xẹp đi ra, tiếng vặn ổ khóa cửa, rồi cửa mở. Người đàn bà bận cặp đồ bộ bằng lụa mỏng, màu vàng nhạt, tóc bới cao, gương mặt có những nét kẻ chì đậm, đôi mắt sắc lẽm, khoảng bốn mươi bốn lăm. Nhật biết đó là Suơng, bởi vì khi ra đi, Thuyết đã giới thiệu với Nhật vài nét về người đàn bà này, Sương làm nghề chạy cò, đủ loại cò, từ chuyện phá thai bí mật của mấy em nhỏ chưa có chồng mà lỡ dính bầu, chuyện nhà đất bất hợp pháp, chuyện giấy tờ lắp ghép xuất cảnh đi nước ngoài, chuyện muốn kiếm người đẻ thuê...nghĩa là từ A đến Z, có một điều nên nhớ là Sương uy tín và tin cậy, cái gì làm được thì Sương làm, cái gì không là nói không. Không hứa bừa bãi, nhận tiền rồi biến. Những lời của Thuyết làm anh tin và đã tìm đến đây.

Sương đon đã:

- Anh là anh Nhật hả, mời anh vào nhà, em có nghe điện thoại của Thuyết nói là anh về và muốn đến gặp em.

Nhật nghĩ mọi chuyện có lẽ Thuyết đã nói rõ cho Sương nghe, hôm nay anh chỉ làm cái việc lặp lại, là đến để tìm biết nhà, gặp Sương để thực hiện công việc anh đang cần, chắc Sương đã lo xong mọi chuyện.

Nhật vừa cười vừa bước vào trong:

- Chà, nhà của Sương mát quá, nền gạch mát lạnh đi đã lắm, ở Mỹ, nhà thường lót thảm nên đi không mát chân bằng.

Sương cười để lộ hàm răng trắng, nhỏ và đều:

- Anh về đây thế nào, có dễ chịu không? Trời bên này nóng quá há, nhà em vừa mới sửa lại nên cũng đở đở, chứ lu bu quá anh à. Em làm nhiều chuyện mà chẳng đâu vào đâu cả. À, anh uống gì để em lấy.

- Cho xin ly trà đá được rồi.

Sương nói từ chuyện nọ sang chuyện kia. Khi đem ly trà đá ra để trước mặt anh, bây giờ Sương mới ngồi lên sofa, chỗ đối diện với Nhật. Sương vừa cười vừa nói:

- Chuyện của anh em sắp đặt xong rồi, anh Thuyết là chỗ quen thân cũ nên với anh, em cũng coi anh như người nhà, anh đừng lo lắng gì cả.

Nhật nói:

- Anh Thuyết là bạn với tôi ở Mỹ, cũng quen biết từ mấy mươi năm, nên thân thiết lắm. Tôi có tâm sự với ảnh là tôi cần một đứa con mà bà xã tôi không sinh được. Bây giờ thì bả hết sinh được rồi vì đã lớn tuổi, cho nên tôi có nhờ Thuyết, Thuyết giới thiệu Sương với tôi đó.

- Thì em cũng nghe anh Thuyết điện thoại về cho em tháng trước, chuyện của anh thì cũng dễ thôi, dĩ nhiên cũng phải tốn tiền, chuyện này chắc ăn mà anh còn được hưởng nữa...

 Nói xong câu này Sương cười ré lên, hai má hồng lên trông thấy qua ánh điện của đèn nê ông. Cái cười của Sương như nói lên rằng, anh sướng lắm đó nghe, có tiền muốn cái gì cũng được, muốn có con thì có con ngay mà còn được hưởng thân thể con gái nõn nường phơi phới. Cái cười của Sương cũng khiến cho Nhật đở phần bối rối, hổ thẹn, anh lấy lại tự nhiên. Sự thật đã phơi bày trước mặt hết rồi, như con bài tẩy đã lộ ra thì còn gì mà lo lắng, mắc cở nữa. Sương đã đứng ra làm môi giới công việc Nhật cần, thì còn giải thích vòng vo tam quốc, sĩ diện, làm gì nữa đây.

Nhật đi thẳng vào chủ đề:

- Như  Sương biết đó, anh cần một đứa con, nên nhờ  Sương...

- Thì em đã nói chuyện với anh Thuyết hết rôi mà, em đã lo xong cho anh. Em giới thiệu anh với một người phụ nữ ở Dầu Tiếng, cô ta là công nhân nhưng đã bị đuổi việc, cũng hăm tám tuổi rồi, chưa chồng, nghèo quá nên muốn đẻ thuê để kiếm tiền làm vốn. Mọi chi phí anh lo, anh sẽ ở với cô ta khoảng một hai tuần, ở đâu cũng được tuỳ anh thích. Cô ta sẽ làm vợ anh trong thời gian đó. Nếu anh kỹ hơn thì anh nên đi khám bác sĩ để biết bây giờ cô chưa có gì, nghĩa là cô ta không có bầu với ai để cho anh gánh. Khi anh sống với cô ta, cô có bầu anh phải cấp dưỡng tiền ăn uống, nhà cửa, nghĩa là mọi thứ cho đến khi cô sinh. Khi sinh xong, khoảng một đến hai tháng, cô sẽ trao con cho anh. Riêng tiền đẻ thuê là bốn ngàn đô. Anh đã bằng lòng như vậy chứ?

Nhật tính nhanh qua đầu, tổng cộng trọn gói khoảng mười ngàn, còn rẻ chán, chứ ở Mỹ muốn sinh một đứa con, thụ thai nhân tạo trong ống kính cũng mất mấy chục ngàn, còn chuyện này………... anh còn được sống với người đàn bà đó mấy tuần, ô, còn gì bằng...

Nhật trả lời Sương, giọng trầm xuống, thân mật:

-  Anh đã nghe Thuyết nói về điều kiện và phí tổn tất cả rồi, Anh bằng long rồi  mà Sương.

Nhật chợt nghĩ đến Hằng, anh thấy thương Hằng. Hằng đã sống với anh gần hai mươi năm, hai người cố gắng để có một đưa con mà cuối cùng thất bại. Khám bác sĩ mới biết đó là lỗi ở Hằng. Khi Hằng đọc trên một nhật báo có bài phóng sự về việc đẻ thuê ở Việt Nam, Hằng gợi ý với Nhật:

- Em thấy báo có đăng ở Việt Nam có đăng về chuyện đẻ thuê  đó anh, hay là anh tìm hiểu xem mình làm có được không?  

Hằng đưa tờ báo cho Nhật đọc, anh cũng thấy phấn kích về chuyện này, nhưng sợ Hằng buồn nên anh im lặng. Hằng thấy anh đọc xong bài báo mà không có ý kiến gì nên nàng hỏi:

- Anh thấy sao?

Nhật đáp như không chú ý lắm.

- Mình ở đây xa quá, làm sao mà thực hiện được.

Hằng nói:

- Anh sợ em buồn phải không? Em không buồn đâu. Nếu anh có một đứa con với một ai khác thì em cũng coi như con em vậy, em có không có chức năng làm mẹ, không sinh đẻ được thì em có công dưỡng dục. Mình sống với nhau trên hai mươi năm, tình yêu của anh đối với em thế nào em biết mà.

Nhật đến gần vợ, anh choàng tay qua vai vợ:

- Thật sự thì anh sợ em buồn, nhưng nếu em có được sự bao dung ấy thì anh sẽ tìm cách liên lạc hỏi thử xem sao?

Và sau đó, Nhật gặp Thuyết, người bạn nối khố, làm chung một hãng, anh kể chuyện về bài báo, về nỗi ưu tư của hai vợ chồng khi không có con. Thuyết là người bạn biết nhiều, giao thiệp rộng, anh đã về Việt Nam nhiều lần nên chuyện gì ở bên đó anh cũng biết. Thuyết nói ngay:

- Nếu vậy thì để tao gọi điện thoại về cho Sương, cô em kết nghĩa của tao, cô này là người chạy cò, môi giới...chuyện gì cô cũng rành, hy vọng Sương có thể làm được việc này.

Bây giờ thì Nhật đã về Việt Nam, đã ngồi đây, đối diện với Sương, với những điều kiện được đưa ra như môt hợp đồng miệng.

Sương nói tiếp:

- Thế thì anh bằng lòng nhé, dù anh Thuyết đã nói với anh, nhưng em cũng nhắc lại cho anh biết, thôi bây giờ em mời anh đi ăn với em, ăn cơm thố ở quán Dừa Xanh nhé, anh ở Mỹ chắc là thèm cơm Việt Nam lắm.

*

Buổi sáng có tiếng chim hót trong khu vườn cũ. Tiếng chim tự dưng cho Bông cảm thấy rộn ràng trong một nổi nhớ khôn nguôi về một ngày rất xa trong đời. Ngày đó, người cha đi làm công nhân trong khu đồn điền cao su Dầu Tiếng. Bông sinh ra sau ngày quân giải phóng về. Cái ngày mà những khu đồn điền thay đổi chủ. Người làm chủ bây giờ là nhân dân, đại diện nhân dân là những người mặc đồ bộ đội, nón cối, mang xắc cốt tòng teng hai bên hông. Ông Đạm đã làm ở đây đã hai mươi năm, ông leo từ thợ cạo mủ cao su lên chức đội trưởng quản lý. Thời gian hai mươi năm với bao cố gắng nhẫn nhục, suốt ngày quần quật ngoài đồn điền với cái dao, cái bát đựng mủ, tấm thân luôn phơi dưới cái nắng chói chan của mặt trời vùng nhiệt đới. Hai mươi năm, ông leo dần lên chức đội trưởng, như người nông dân lăn lộn ngoài đồng, từ sáng đến tối, để kiếm miếng ăn.

Thời gian trôi qua, vợ chồng ông xây một căn nhà gạch trong khu đất trống của khu gia đình công nhân. Nhưng khi “cách mạng” về, những ngươì như ông Đạm được coi là tay chân đế quốc, đã bóc lột, đã ăn trên đầu trên cổ nhân dân, nên nhân danh cách mạng, chính quyền mới đã tịch thu căn nhà gia đình ông đang ở. Hai vợ chồng lê thê lếch thếch dắt díu nhau ra ngoài thị xã cất cái lều ở tạm. Hai năm sau Bông sinh ra, ông Đạm quá đau buồn nên ông thường uống rượu để quên nỗi sầu đời.

Bây giờ thì Bông đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông Đạm một đêm đi uống rượu về, đạp xe quờ quạng làm sao mà rơi xuống cái cầu sắt trên đường hương lộ mà chết, bà Đạm buồn rầu đau bịnh liên miên rồi cũng mất vài năm sau đó, anh chị em Bông thất tán mỗi người mỗi nơi. Bông được cho về sống với người anh cả.

Bông hai mươi tám tuổi. Những năm tháng tuổi thơ như đá đeo vào lòng Bông nỗi buồn rười rượi.  Không ai hiểu lòng cô nghĩ gì. Ít nói, hay nhìn thăm thẳm về một phương trời nào đó. Bông đã khóc sướt mướt trong những ngày mất cha, chưa khô nước mắt cô lại tiếp tục khóc cho ngày mất mẹ. Bông khóc suốt trong những đêm ngũ ngoài căn chòi ở nhà người anh cả, nước mắt Bông sắp thành hàng ngang hàng dọc, không đợi cô cho phép tự nhiên đổ ra ào ào.

Hồi Bông mười bảy tuổi, Bông bỗng trở nên một con người khác.

*

Mười bảy tuổi Bông trổ mã, xinh tươi như một bông hoa đến độ, đôi má ửng hồng, hàng mi cong vút, đôi mắt to đen nhấp nháy liếc ngang liếc dọc. Cặp vú tự dưng tưng tức, rừng rực bức xúc trong cái cọt sê rẻ tiền. Bông thấy chật chội, nóng bứt khó chịu nên khi về nhà là cô tháo nó ra. Ôi, cái vú được tự do chông chênh như hai cái sừng trâu, lấp ló dưới lớp áo ba ba bằng vải phin mỏng. Ai đi ngang qua quán nước chè của người anh cả, cũng muốn tấp vào đó ngồi trên chiếc ghế dài cáu bẫn mà người anh cả chế biến, để khách ngồi, vừa uống ly trà đá, vừa ngó cô bán nước chè và trà đá có cặp vú sừng trâu núng nính.

Một buổi chiều có một người bộ đội tên Bảo tấp vào quán, ngồi uống nước và hút thuốc lào, gã nhìn cô chằm chặp rồi cát tiếng nói bằng giọng Thanh Nghệ Tỉnh:

- O ni con ông Đạm phải không? Tôi là cán bộ làm việc trong khu đồn điền bên phòng tổ chức. Tôi biết ông Đạm mất nhà oan nên ông buồn mà chết đi. Tội nghiệp quá hỉ, nhưng chuyện xãy ra rồi bây chừ biết làm răng đây. O có muốn vào làm công nhân cao su thì tôi tuyển dụng.

Bông thấy bán nước đá ngày kiếm không ra hai lon gạo, ăn phải độn khoai sắn, lại người chị dâu nói hành nói tỏi,lớn đầu rồi sao không đi kiếm việc chi làm, ở nhà phơi cái thân, đỏng đa đỏng đảnh.

Bông trả lời người bộ đội:

- Muốn làm công nhân thì phải làm sao, anh?

Gã bộ đội nhìn nàng, đôi mắt láo liên, một lúc sau đôi mắt đó mới cúi xuống rồi nở nụ cười:

- Có chi đâu, chỉ vào nhận cái đơn rồi ghi vào đó vài chữ. Tôi nắm phòng tổ chức trong tay, tôi muốn tuyển ai thì tuyển, o đừng lo.

Gã nói xong đắc ý cười hềnh hệch. Bông tự nhiên thấy mình cần làm vừa lòng người cán bộ, cô nói giọng nhõng nhẽo, đã đớt như người lên đồng:

- Anh nhớ nhen, giúp cho em được làm chỗ của anh thì em mừng lắm, em biết ơn anh lắm.

Người bộ đội cà khịa:

- Giúp cô, cô trả ơn tôi cái gì nào?

Bông cười:

- Anh muốn gì em trả đó.

- Nhớ đó nghen.

Cô chế thêm nước trà đậm, bỏ thêm đá và đứng gần người cán bộ, cô cúi người xuống cho lộ ra đôi vú sừng trâu. Người cán bộ ngó sững cặp vú, khi cô ngững lên gã vội vã bưng ly uống một hơi cạn.

Thế là Bông trở thành công nhân, như người cha trước đó gần ba mươi năm đã đến đây lập nghiệp. Những ngày sau đó là những ngày nàng phơi dưới cái nắng nung người, bắt đầu lại cái nghề của cha bằng công việc tận cùng, thợ cạo mủ cao su. 

Buổi sáng Bông đạp xe đi làm, cơm đùm, cơm gói theo ăn. Buổi chiều chạng vạng tối mới đạp xe về. Tháng lãnh được hai chục kg gạo và năm ngàn tiền «mới». Cô chi tiêu dè sẻn, cũng vừa đủ cho sinh hoạt tối thiểu của cô. Cô không đủ tiền sắm một cặp đồ mới, kể cả xì lip, xu cheng, cũng cũ xì, vá chùm vá đụp.

 ***

Một hôm.

Bộ đội Bảo đi ra khu lao động một mình trong buổi chiều tối sẫm. Bông còn lom khom cạo mủ thì gã tới bên nói nhỏ vào tai cô:

- O Bông giỏi quá hì, sao thợ về hết mà o chưa về?

- Em phải làm cho đủ chỉ tiêu.

- Chỉ tiêu gì mà đủ, thôi o làm chừng đó được rồi, để tôi chấm công đủ cho.

- Em làm không đủ chỉ tiêu anh có bớt gạo của em không?

- Ai thì bớt chứ o thì không, chuyện quản lý ở đây là do tôi lãnh đạo mà, o không thấy sao.

Bông biết điều đó, từ ngày cô về làm ở đây gã thường xun xoe bên cô. Cô biết gã có vợ ở ngoài bắc, đi bộ đội vào đây mấy năm được giữ chức trưởng ban tổ chức nên gã rất có uy quyền với đám công nhân. Gã cặp bồ lung tung, những cô gái trong đội cạo mủ ai cũng bị gã «thả dê», ai chìu gã thì gã dễ dãi. Ai chống lại thì gã đì sát nút. Bông biết như vậy nên cũng đành ép lòng cười cười nói nói với gã cho qua truông. Nhưng hôm nay, sao gã lại ra khu cạo mủ buổi chiều chạng vạng như thế này. Cả khu đồn điền im vắng, công nhân đã về, Bông nấn ná làm thêm vì hồi sáng chiếc xe đạp của cô bị xì bánh, cô phải đi vá lại, nên cô đi làm trễ. Sao gã để ý Bông ở đây làm thêm mà ra «tò vè»?

- Thôi cất dụng cụ đi rồi nghỉ Bông.

Gã nói giọng như ra lệnh.

Bông xếp dụng cụ để vào cái chòi bên cạnh, cô lấy gáo múc nước trong lu rửa mặt. Má cô ửng hồng, đôi môi chúm chím. Bộ đội Bảo theo nàng sít nút vào trong chòi và khi cô vừa lau mặt vùa rửa chân thì Bảo đã đứng sát bên cô. Từ đàng sau Bảo choàng tay qua ôm lấy ngực cô. Bông giựt mình thảng thốt, Bông quýnh quáng nói:

- Đừng đồng chí, đồng chí làm gì vậy!

Bô đội Bảo vừa run vừa nói:

- Em nì, cho anh hun em cái, anh để ý em từ lâu rồi, nên anh mới giúp đỡ cho em vào làm công nhân đó chớ.

Thấy bộ đội Bảo quýnh quáng, cô nghĩ cũng tội nghiệp, nên cô đứng yên, với lại cái tuổi mười bảy cũng tò mò đủ chuyện, từ sự thay đổi thể xác của tuổi dậy thì dẫn đến sự  háo hức của xác thịt, làm tai Bông ù đặc. Bảo ôm cô, bóp mạnh tay lên đôi vú sừng trâu khiến Bông quỵ xuống.

Sự thực thì Bông cũng không ngờ chuyện xãy ra. Cô nghĩ cô chỉ qua lại chút đỉnh. Với bộ đội Bảo cô coi như người ơn, cô có thể mua cho Bảo món quà như đôi dép sabô để Bảo mang, thay cho đôi dép râu cũ xì mà gã vẫn kéo lê hàng ngày, bụi đất bám đầy đôi chân dơ dáy. Hay hơn nữa là cô có thể mua biếu gã tuýp thuốc lá Xamit, loại thuốc có cán của Miên xâm nhập qua Việt Nam bằng đường biên giới, rất quý bây giờ. Nhưng cô không lường được. Bộ đội Bảo không đòi cô trả ơn bằng mấy món quà tặng kia mà đòi trả ơn chính bằng thân xác của cô gái mười bảy tuổi. Bộ đội Bảo ngắm nghé, dò tìm, lúc nào có riêng Bông thì gã sáp lại gần, tò vè, tán tỉnh, hứa hẹn. Bông thường nói đùa vui trả lời cho qua chuyện. Đến hôm nay, Bảo theo dõi biết Bông ở lại làm thêm tối. Bảo mừng rơn trong bụng, vì giữa khu rừng cao su bạt ngàn này chỉ nghe tiếng gió lùa, tiếng chim kêu đêm, còn lại  là bóng tối phủ đầy lấp kín hết cả vùng.

Bông thấy Bảo ôm mình thì la hoảng lên, cô thay đổi giọng:

- Ơ, anh làm gì thế, anh Bảo.

Bảo cuống quít trong niềm xúc cảm rạt rào, cái xúc cảm của dục vọng, nó tuông trào trong từng thớ thịt Bảo, dù Bảo đã qua nhiều người thiếu nữ, đàn bà ở đây, nhưng từ lâu nay, Bảo đã ngẫn ngơ trước người con gái có đôi vú sừng trâu lồ lộ nầy.

Bảo nói trong hơi thở đứt quảng:

- Bông ơi, anh yêu em, anh thích em mà.

Hai tay Bảo vần vò trên ngực Bông mạnh hơn, Bông bớt đi nỗi lo sợ khi nghe Bảo nói lời yêu thương mình. Hàng ngày, dáng Bảo trông nhớp nhúa, với cặp đồ bộ đội cũ, bạc màu, đôi dép râu. Với hàm răng vàng ám khói thuốc lào, thuốc lá, nước da Bảo nhàn nhạt vì con bịnh sốt rét còn lại trong những năm tháng nằm ở rừng núi Trường Sơn. khi Bảo nói, hơi thở nồng nặc mùi thuốc lá. Nhưng hôm nay có lẽ nhờ mới tắm qua nên Bảo đã trút đi bớt cái hôi hám lưu niên. Bông mềm người lại để cho Bảo vật cô xuống sàn nhà kho trong hơi thở hổn hểnh.

 

Bông làm người «nô lệ tình dục» của Bảo được năm tháng thì Bảo chán cô, Bảo đeo theo tán tỉnh một người con gái khác, con Ngâu, một cô bé mới xin vô cạo mủ có đôi mắt to đen.

Bông cũng có tức giận nhưng cô dằng xuống và quên đi ngay những lời mật ngọt của Bảo, quên cái mùi mồ hôi dầu nham nháp, mùi thuốc lào nồng nặc ấy một cách dễ dàng vì cô không yêu Bảo, cô tởm lợm gã đàn ông đó.

Nhưng dù sao, những ngày sau đó Bông mới thấy sự cần thiết một người đàn ông trong cuộc sống. Bông phơi phới người lên, má đỏ môi hồng, thịt da phỗng phao trông thấy. Ai nhìn vào cô cũng thấy mát con mắt. Cô đã được Bảo cho biết mùi đời, bây giờ cô thiếu đi cái mủi đời ấy, cô tự nhiên cô thấy như hụt hẩng, một nỗi thèm muốn chảy lan trong người, như dưới phần da thịt kia có hàng trăm con kiến đang bò. Bông không chịu đựng nổi nên cô ngã vào nhiều vòng tay đàn ông, từ người thợ rừng, anh tài xế xe be, những kẻ «nhất phá sơn lâm». Những lúc này cô được thoả thuê thân xác nhưng cô cũng tự nhũ một điều là không được có con, có con là hết cả một thời xuân xanh tươi rói.

Bây giờ Bông đã hăm tám, hăm tám chưa gọi là già, da thịt cô vẫn còn mơn mởn, da trắng môi hồng, ngực căn phồng trong cái cọt xê chật. Nhưng dù có vùng vẫy bao nhiêu, Bông cũng không thoát khỏi cái nghèo đói dăng ngang truớc mặt. Tiền lương công nhân rẽ mạt, cô chưa sắm được cho mình một cái gì riêng, cô vẫn là cái gai trước mắt của bà chị dâu, chưa ai rước cô đi, họ chỉ mê đắm cái thân xác cô, cái thân thể đầy ắp nhựa sống kia. Không một ai rước cô về dinh cả, dù cái dinh hay cái chòi lá cô cũng cam lòng. Cái xứ sở tràn đầy công nhân, nhưng không ai đủ sức để cưu mang một người khác, công nhân nữ càng ngày càng ế dài ra.

Tháng trước đây, con bạn của Bông rĩ tai:

- Mày muốn đẻ thuê không? cho Việt kiều đó, «giả» có vợ mà không có con, muốn ai đó đẻ cho «giả» một đứa con, «giả» lo hết, xong xuôi đâu đó «giả» cho mày bốn ngàn đô. Chịu không?

Bông về nhà suy nghĩ, bốn ngàn đô ám ảnh cô. Có thể với số tiền đó cô sẽ xây một cái nhà gạch, còn dư là vốn buôn bán, chứ làm công nhân cao su, suốt đời chỉ biết con dao cạo mủ, rồi đem thân ra làm ”của chùa” cho bọn đàn ông.

Sương đã lên gặp Bông theo lời giới thiệu, hai ngươì hợp đồng với nhau, và hôm nay thì Nhật đã về...

 ***

Trên chiếc xe hơi chạy về hướng Vũng Tàu, Nhật nhìn Bông đang nằm gục đầu lên chân anh mà ngủ. Người đàn bà hai mươi tám tuổi đang nằm thiêm thiếp, tóc lòa xòa hai bên má. Có lẽ cô mệt vì trong suốt hai ngày qua, hai người đã sống một thời gian trọn vẹn. Nhật không hiểu mình đang làm trò gì đây? Một cuộc phiêu lưu tình ái hay anh đang làm một sứ mệnh  lớn cho gia đình - nghĩa cử truyền giống.

Dù gì nó cũng đem lại cho anh những cảm giác mới, kèm theo một hy vọng…...Điều đó cũng cho anh thấy rằng, cái bóng sắc đàn bà cũng ghê gớm lắm... ở cái tuổi của anh mà còn chết lên “chết xuống” là nghĩa làm sao.

Bông mở mắt ra nhõng nhẽo:

- Anh nhìn em gì vậy?

Nhật nói:

- Anh đang nghĩ đến đứa con em sẽ cho anh

- Thì em đang cho anh đây. Hôm nay là ngày em rụng trứng.

 

Trần Yên Hòa

 

Comments

Popular posts from this blog

Bài trăm năm - Trần Yên Hòa

Mẹ đi về phía hoàng hôn - Trần Yên Hòa

Truyện cực ngắn - Mã Lam