Văn-Học Việt-Nam Hải Ngoại Đã 50 Năm - NGUYỄN VY KHANH
Biến cố 30-4-1975 đã là một biến cố lịch-sử lớn đối với dân-tộc Việt và đã đưa đến việc hình thành một cộng đồng người Việt hải-ngoại, từ gần 150 ngàn lúc đầu - mà nói chung, đa phần có phong hóa hoặc đã có những liên hệ xa gần với những biến cố chính trị ở Việt Nam hoặc chính trị là lý do hoặc nguyên nhân của sự có mặt của họ ở ngoài nước, lên đến hơn 4 triệu người như hiện nay.
<!>
Quan-trọng hơn nữa, lịch sử đã hình thành được một cộng đồng người Việt hải-ngoại với những đặc tính riêng - tính tiếp-nối và bảo tồn truyền thống văn hiến Việt cũng như tiếp nối tinh thần quốc gia, dân-tộc của miền Nam trước 1975 và toàn nước Việt trước đó: nhân bản, tự do, khai phóng, cũng như lưu-truyền tiếng nói và truyền thống văn-hóa dân tộc. Từ đó hình thành một nền văn-học hải-ngoại với cùng những đặc tính nghĩa là độc lập, khác biệt và cả đối nghịch với “nền” văn-học của cộng-sản miền Bắc. Cộng đồng và nền văn học này lưu truyền truyền thống văn-hóa dân-tộc, và là hy vọng của dân-tộc về tương lai đất nước. Người Việt hải-ngoại đã thành công gầy dựng được một nền văn-học mà các dân-tộc khác trong cùng hoàn cảnh đã không làm được vì nhiều lý do, thí dụ Do Thái, Trung Hoa, Hàn quốc, Nhật Bản, Nga Sô, Đông Âu, ... và cả Cam Bốt, Lào. Lịch sử văn học và cộng đồng hải ngoại dù đã bị những nỗ lực tiêu cực nhắm xóa bỏ hay phân biệt, cuối cùng vẫn là một phần không thể thiếu trong lịch sử và văn học Việt Nam vì đó luôn là một thành phần của lịch sử nước Việt.
Văn-học hải-ngoại đã hiện diện theo vận mệnh chung của đất nước và cũng theo luật thiên nhiên từ phôi pha trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành, phát triển và đang bị lão hóa, diễn biến thành văn học mang tính hội nhập (hay liên-văn-hóa) từ nội dung đến hình thức diễn đạt. Nền văn học đó đang bị lão hóa và phần nào yếu hơn so với những giai đoạn đầu; hơn lúc nào hết, sau hơn 50 năm, những người còn tâm huyết với văn-hóa và văn-học Việt-Nam cần phải nghĩ đến và làm công việc bảo tồn văn-học hải-ngoại - như lịch-sử, gia tài, ký ức, ... Văn học hải ngoại cũng vậy, đã đi từ những bước đầu khó khăn, rời rạc đến những khuynh hướng, sáng tác đa dạng và phong phú, và dù đã bắt đầu bị lão hóa, nhưng thành quả đã có, đã cùng hiện diện và tiếp tục sống với cộng đồng người Việt hải ngoại. “Ngôi nhà” là năm châu, tức xa cách nhau về địa lý, do hoàn cảnh lịch sử, người Việt ngụ cư khắp nơi trên thế giới, lớp sau tiếp nối lớp trước, rồi thế hệ thứ 2, thứ 3, ... làm nên một nền văn học viết bằng tiếng Việt ở hải-ngoại rất đỗi phong phú, đa dạng, đa văn hóa, và nhất là dân chủ, tự do, khai phóng bên cạnh những sinh hoạt văn học hội nhập với ngôn ngữ bản xứ của các thế hệ tiếp nối! Đây là hiện đại và hoàn cầu hóa về ngôn ngữ sử dụng, một khía cạnh khác của văn hóa Việt-Nam hôm nay! Nói chung, chúng ta đã và sẽ sống trong một ngôn ngữ khi không còn lãnh thổ.
Sau ngày 30 tháng Tư 1975, văn học miền Nam trước đó đã từng phát triển và hiện đại hóa không ngừng đã theo người dân ra khỏi nước và trong 50 năm, đã trở thành văn học có thể từ của những người "thua trận", "mất nước" để trở thành văn học nhân bản, khai phóng và dân-tộc có thể so sánh với văn học “độc đạo” của trong nước! Nền văn học ấy trải dài đã năm thập niên, cho đến hôm nay dù không được như ban đầu nhưng tinh túy, nội dung đã thẩm thấu và vẫn hiện diện. Thơ văn và báo chí phong phú về cả phẩm và lượng ở thế hệ người Việt thứ nhất, rồi dần yếu đi, phải chăng đã đủ chứng tích định danh hay ý chí sáng tạo thơ văn muôn đời bớt hết còn thôi thúc hay xuất hiện dưới hình thức và phương tiện khác cho hôm nay?
50 năm nhưng đã có nhiều giai đoạn: di tản, lưu vong (giai đoạn phôi thai, 1975-1979), trở nên tị nạn chính trị (giai đoạn hình thành, 1980-86), rồi thời hy-vọng và hợp lưu (giai đoạn trưởng thành, 1987-1991), kế tiếp là hoài niệm (1992-2000), là lão hóa và chuyển động thế kỷ (2001-2015) và sau cùng là giai đoạn “không gian mạng” toàn cầu (2015-2025) đang và chắc chắn sẽ tiếp nối theo thời gian.
Ở giai đoạn đầu thật sự là thân phận lưu vong vô-vọng, thế hệ "di tản buồn". Kế đến là "tị nạn chính trị" với những thuyền nhân ("boat people") hay bộ nhân. Sau đó là đoàn tụ gia đình và cuối cùng là những cựu tù "cải tạo", những đoàn tụ gia đình khác và bảo lãnh.
Sau rốt là du học sinh và lao động xuất khẩu, cũng đoàn tụ gia đình và bảo lãnh nhưng có tỉ lệ thay đổi vì bắt đầu có di dân thị trường, con cháu Đảng viên và gia-đình người có quyền ở trong nước.
Hai giai đoạn đầu văn chương chủ-trì về một quê hương đã mất, về thân phận người Việt lang thang như người Do-Thái xưa hay như những tị nạn chính trị thời các thế chiến, và đã có những tác phẩm chống Cộng rất hăng say nhưng chuẩn mực. Giai đoạn tị nạn chính trị cao điểm, lúc mà nhiều người viết và thẩm quyền quốc tế đã nhận chân ai chính ai tà. Chính nghĩa quốc gia và việc "chống Cộng" cũng trải qua nhiều dông tố, từ thực tâm đến hình thức, khi các nhóm H.O. rời ngục tù, đày đọa để đến đất tự do, các sinh hoạt được sống lại nhưng rồi cũng rơi vào tình trạng cũ. Từ đó nảy sinh nhiều "ghetto văn nghệ" trong cái ghetto chung của người gốc Việt nằm trong ghetto to lớn hơn nữa của các sắc dân thiểu số xã hội và sinh hoạt văn nghệ bản xứ. Cuối cùng, “không gian mạng” toàn cầu sẽ lần hồi nối kết những con người làm văn chương nghệ thuật trong-ngoài Việt Nam - biên giới có thể mất đi nhưng trong cũng như ngoài vẫn chưa thể thực sự hiệp thông và làm một.
GIAI-ĐOẠN PHÔI THAI (1975-1980)
Hoạt động báo-chí và văn học đã bắt đầu ngay từ những trại tị nạn như ở đảo Guam và nơi những vùng "quê hương thứ hai". Một nền văn học không cộng sản tiếp nối nền văn học miền Nam Cộng hòa, ở hải ngoại. Thật vậy, sau những hoảng hốt, bỡ ngỡ xa xứ lúc đầu, một nền văn học lưu vong được khởi dựng từ những bàn tay trắng, nhanh chóng trưởng thành, dựa vào "vốn liếng” đồ sộ là vô số những tấn thảm kịch riêng chung; những bi thảm và dư chấn của chiến tranh.
Về báo chí lưu vong, những tờ báo đáng gọi là mở đầu, đi tiên phong là Chân Trời Mới ra đời ngày đầu tháng 5-1975 (số 1, ngày 2- 5-1975) ở trại tị nạn đảo Guam rồi ở trại Pendleton, CA, nhưng in ấn thành báo phải xem tờ Đất Mới của Vũ Đức Vĩnh xuất bản ở Seattle, WA tháng 7-1975, Trắng Đen, tuần báo, số 1 ra ngày 6-3-1976, của Việt Định Phương và tờ Hồn Việt của Nguyễn Hoàng Đoan tháng 11- 1977, tờ Việt Chiến của Giang Hữu Tuyên, rồi Văn Học Nghệ Thuật (4-1978) do Võ Phiến chủ nhiệm và Lê Tất Điều chủ-bút, ... là những tờ báo đầu tiên của người Việt tị nan, lưu vong (trong khi Hồn Việt-Nam do nhà văn Minh Đức Hoài Trinh xuất bản ở Paris từ 15-10-1975 và Quê Mẹ của Võ Văn Ái số duy nhất năm 1976 tại Gennevilliers là của người Việt sinh sống trước ở ngoài nước).
Một cách tổng quát, nội dung các báo-chí và sáng-tác ở hải ngoại ngay sau biến cố 30-4-1975 chưa mang đặc tính chính trị (theo nghĩa chống Cộng tích cực) như sẽ về sau. Các sáng tác cũng vậy, lúc đầu là những hoài niệm, phẫn uất, ... nhưng chưa có thái độ chính-trị cương quyết như về sau. Các đề tài chính là đời sống lưu đày, lưu vong, hoài niệm cố hương (khói lam chiều, thuyền viễn xứ – viễn dương chứ không chỉ là xuôi Nam của năm 1954!, v.v...), đối kháng, chiến tranh, v.v... với hai khuynh hướng một bên tục lụy, hoài niệm, một bên cáo trạng, phân biệt bạn thù. Các nhà văn Lê Tất Điều, Võ Phiến, Thanh Nam, v.v... đã có những tác phẩm về cuộc sống mới và về một phần nhỏ cuộc chiến vừa "kết thúc"!
Kệ sách Học Xá
Thanh Nam với tập Đất Khách, tuy xuất-bản năm 1983 (do nhà Sống Mới ở Fort Smith, Arkansas xuất-bản), nhưng đã có những bài đăng trên báo Đất Mới từ năm 1976 tức khởi từ 7 năm trước. Thơ Thanh Nam đã là một hiện-tượng văn-học hải-ngoại vì ông vốn viết tiểu-thuyết và thơ ông trước năm 1975 không có gì đặc-biệt. Nhưng nay thơ ông là nỗi lòng lưu xứ với những đổi thay quá triệt để do đó đau thương nhiều, và ông là một trong hiếm người đầu tiên đã thốt lên những tâm tình bi thương chung đó trong Thơ Xuân Đất Khách. Cao Tần, tức Lê Tất Điều, đã có những bài thơ xuất hiện lần đầu trên tờ Bút Lửa năm 1977, sau xuất bản trong Thơ Cao Tần (CA: Bút Lửa & Người Việt, 1978; tb 1984, 1987). Những hoài niệm ngày xưa, người cũ và những phẫn uất bi hùng về cuộc chiến. Võ Phiến xuất bản Thư Gửi Bạn (1976), Lại Thư Gửi Bạn (1979) viết về đời sống lưu vong, nơi không gian xa lạ. Truyện dài Nguyên Vẹn (1978) tả cuộc đời biến đổi từ trong nước ra nước ngoài, những tâm tình nhớ quê nhà, những người bạn mới cũ. Cùng Minh Đức Hoài Trinh ở Pháp, các nhà văn Võ Phiến, Thanh Nam, Cao Tần Lê Tất Điều ở Hoa-Kỳ đã làm nên rõ đặc tính và đánh dấu những bước đầu di tản và lưu vong của văn-học hải-ngoại.
GIAI-ĐOẠN HÌNH-THÀNH (1980-1986)
Phải đợi đến những năm đầu của thập niên 1980, văn học ở ngoài nước khởi sắc ra, nhưng là một khởi sắc buồn thảm. Năm 1980 đánh dấu sự tham gia sinh hoạt văn nghệ, báo chí của đợt thuyền nhân/boat people từ đầu năm 1979, chính trị rõ hơn với kinh nghiệm sống với cộng-sản Hà-Nội của người miền Nam và một phần người miền Bắc (đa số là "bộ nhân" sang Trung quốc và Hương Cảng) và sự xuất hiện tích cực một thời của các Mặt Trận chống Cộng và đấu tranh nhắm lật đổ chế độ cộng sản trong nước. Cộng đồng nhà văn Việt-Nam tị nạn ngày một đông đảo hơn. Đặc biệt các vị rời nước sau này, khi còn ở trong nước, họ đã có kinh nghiệm với cộng sản, đã là nạn nhân, đã nhìn thấy trò đời. Đã vậy họ bị cấm viết, bị cầm tù vì hoặc với "tư cách" là văn nghệ sĩ hoặc công chức, đi lính cho chế độ Cộng hòa. Nay vượt biển, “đi chui”, hoặc đoàn tụ gia đình (bắt đầu từ năm 1979, 1980 tùy quốc-gia), tha hương, họ bắt đầu viết lại và bộ phận văn học chiến tranh do người Việt hải ngoại nhờ đó sung tích và đa dạng hơn nữa.
Các nhà văn của giai đoạn này mạnh thêm tư cách tị nạn chính trị, từ tâm thức bị phản bội vào thời 30-4-1975, nay người Việt hải-ngoại nhận chân chính-nghĩa luôn ở về phía người tị nạn, lưu vong. Viết về chiến tranh, đa phần vẫn là cay đắng, buồn tức, tức người lẫn ta. Những kinh qua đắng cay của các trại “cải tạo” và của đời sống tối tăm sau 1975. Và nhất là ý chí chống cộng sản độc tài, những trì trệ không “giải phóng” được đất nước khỏi nghèo đói và chậm tiến, điều này đưa đến khuynh-hướng phục quốc trong văn-chương đã đành mà còn thực sự song hành với những phản kháng, nổi dậy chống cộng-sản ở trong nước.
Giai đoạn này có thêm những nhà văn thơ thuyền nhân và có những nhà văn viết vì phẫn nộ. Thuyền nhân tị nạn là một bộ mặt khác của chiến-tranh và sự kiện thuyền nhân (boat people) đã thật sự đánh thức phần nào lương tâm nhân loại trước đó đã đạo đức giả xem người Việt miền Nam như những kẻ thua trận không đặc sắc. Người viết dù đứng ở vị trí nào (đi cứu trợ hoặc thuyền nhân) thì thuyền nhân và tị nạn đã là thảm kịch lớn của dân tộc. Cũng là thời của những cây viết mới Nguyễn Ngọc Ngạn, Võ Kỳ Điền, Tưởng Năng Tiến, Nguyễn Bá Trạc, Trần Long Hồ, Nguyễn Ý Thuần, Thế Giang, Vĩnh Hảo, Lê Thị Huệ, Trần Diệu Hằng, Phan Thị Trọng Tuyến, Vũ Quỳnh Hương, Nguyễn Văn Ba, Giang Hữu Tuyên, Vũ Kiện, Bắc Phong, Võ Hoàng, Phan Tấn Hải, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Xuân Quang, Nguyễn Mạnh Trinh, Lâm Hảo Dũng, Phan Ni Tấn, Nguyễn Đức BạtNgàn, ... bên cạnh những nhà văn tị nạn đã từng hoạt động trước 1975 ở quê nhà như Nhật Tiến, Mai Thảo, Duyên Anh, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Tất Nhiên, Du Tử Lê, Hồ Trường An, Luân Hoán, Thái Tú Hạp, Nguyễn Văn Sâm, Hà Huyền Chi, Vi Khuê, ... Các tờ Hồn Việt, Đất Mới, Văn Học Nghệ Thuật, Nhân Chứng, Việt Chiến, Trắng Đen, Người Việt, Việt-Nam Hải Ngoại, Quê Mẹ, Dân Quyền đã là cái nôi xuất hiện những nhà văn mới và chống Cộng. Những nhà văn có tác phẩm nổi tiếng hoặc gây chú ý và phản ứng có tính chính trị thời này có Cao Xuân Huy với Tháng Ba Gây Súng (1986), Nguyễn Mộng Giác với bộ tiểu thuyết Mùa Biển Động (5 tập, 1984-89), Nhật Tiến và Duyên Anh. Khuynh-hướng phục quốc rõ nhất với Tưởng Năng Tiến, Võ Hoàng, Trùng Dương, Bắc Phong.
Về thể-loại hồi ký, bút ký thì trước 1975, ở miền Nam ít có tác-phẩm loại này. Sau 1975, hồi ký và bút ký là thể loại chiếm một phần quan trọng từ 1980 đến khoảng năm 2000, sau đó thì thưa thớt hơn. Đây là nhân chứng của tấn bi kịch chung trong đó có cuốn có giá trị văn chương đặc biệt. Nguyễn Tường Bách là người có hồi ký xuất-bản đầu tiên ở hải-ngoại sau biến cố 30-4-1975, cuốn Việt-Nam Những Ngày Lịch-Sử (1981) lúc đó ông còn sống ở Trung Quốc. Trần Huỳnh Châu là người đầu tiên xuất bản hồi ký cải tạo với Những Năm Cải Tạo Ở Bắc Việt (1981) kể chuyện tù đày, cải tạo. Nhưng nhà văn đánh mốc cho giai đoạn này là Hà Thúc Sinh với Đại Học Máu (1985) với hơn 820 trang cáo trạng đanh thép chống chế độ lao tù với mỹ từ “học tập / cải tạo”. Sau sửng sốt của Đại Học Máu là hồi ký lao tù của những sĩ quan tâm lý chiến như Phạm Quang Giai với Trại Cải Tạo (1986), Tạ Tỵ với Đáy Địa Ngục (1985) viết trong trại tị nạn Sungei Besi Mã Lai năm 1982 về địa ngục trần gian nơi các trại “cải tạo” từ Nam ra Bắc, v.v... Tất cả các tác-phẩm hồi-ký lao tù hoặc thời sống sau tháng Tư 1975 nói chung tố cáo chế độ Cộng-sản qua những điều mắt thấy tai nghe, qua những mưu đồ, bạo lực cướp phá miền Nam và con người về vật chất cũng như tinh thần.
GIAI-ĐOẠN TRƯỞNG THÀNH (1987-1991)
Sau 1987, chính trị thế giới và Việt-Nam thay đổi đã ảnh hưởng đến giới văn học trong cũng như ngoài nước. Chủ nghĩa “thần thánh” và “đỉnh cao trí tuệ” đã bắt đầu suy yếu rồi biến dạng ở nhiều thành trì. Những lý tưởng mơ hồ, vô vọng đã đến lúc phải nhường chỗ cho cái sống thực và hợp nhu cầu ý nguyện của người hôm nay. Văn chương vẫn lưu đày, hoài niệm nhưng tự do hơn. Đến cuối năm 1989, bức tường Bá-linh bị phá đổ cùng các chế độ cộng sản ở Đông Âu và Liên-Xô thay nhau lui dần vào quá khứ, đã có những hy vọng lóe lên trong văn chương nhưng cái u hoài vẫn còn đó. Đợt H.O. làm sống chính trị trở lại, có khi thật to tiếng; tuy nhiên đa số tỏ ra trầm thống hơn, thấm thía hơn, của những con người trở về từ địa ngục, những "xác" tàn tìm lại cảm giác sống sót và tình người. Văn học giai đoạn này đầy hoài niệm nhưng tự do và nhân bản dù lúc nào cũng có những lực lượng tự tại hoặc ngoại nhập sử-dụng bạo lực để ức hiếp những tiếng nói tự do đó!
Trong thời này, mỗi năm có khoảng 100-200 tựa sách mới, nổi trội là hồi-ký, tiểu-thuyết – 1990-1991 là hai năm thịnh nhất và những năm 1987-1989, nữ giới nổi trội trước đó đã nhường phái nam về tác phẩm và sinh hoạt văn-học nghệ-thuật. Đáng kể là sự xuất hiện của những nhà văn thơ trẻ hoặc mới, như Trần Vũ, Trân Sa, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trần Mộng Tú, Hoàng Du Thụy, Lê Thao Chuyên, Lê Bi, Nguyễn Hoàng Nam, Thế Giang, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Đình Nghiêm, Bùi Thanh Liêm, Đỗ Kh., Cung Vũ, Phạm Chi Lan, Phùng Nguyễn, Lê Tạo, Ngu Yên, Ngọc Khôi, Trần Long Hồ, Nguyễn Đức Lập, Nguyễn Ý Thuần, Chân Phương, Vũ Đình Kh., Nguyễn Tấn Hưng, Mai Kim Ngọc, Hoàng Xuân Sơn, v.v... Họ có vẻ ít bị dĩ vãng đè nặng trong suy nghĩ; chiến tranh cũng bắt đầu xa, loãng. Bắt đầu thời đề nghị và tranh luận "hòa hợp hòa giải" với nhóm Thông Luận ở Pháp và giao lưu văn hóa với những tạp chí như Trăm Con ở Canada, Thế Kỷ 21, Đối Thoại, Hợp Lưu ở Hoa Kỳ. Tranh luận, kiến nghị vang động một thời ở hải ngoại. Nay đã lắng và sự trao đổi, liên hệ đã ngày càng tăng. Các nhà văn nhà báo định cư sau hoặc tái xuất trễ như Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Ang Ca, Dương Kiền, ...
Bộ phận hồi ký “cải tạo” được tiếp tục với những cựu tù “cải tạo” mới qua theo các diện HO từ đầu thập niên 1990 - và ODP đoàn tụ gia đình. Các hồi ký xuất bản sau này có thêm lợi ít nhất hai điểm: có thể viết rõ hơn về người mà không sợ nguy cho họ và hận thù cũng lắng xuống để có những cái nhìn con người và thật lòng hơn. Khác với hồi ký những kẻ chạy trước kể công lao, hồi ký cải tạo viết ra như vết sẹo coi như lành nhưng vẫn đau mỗi khi đụng tới - những Nhã Ca, Thế Uyên, Đặng Chí Bình, Nguyễn Vạn Hùng, Dương Tử, ...
GIAI ĐOẠN HOÀI NIỆM (1992-2000)
Năm 1992 kinh tế toàn cầu bị suy thoái, ảnh-hưởng đến tình hình xuất-bản xuống thấp ở hải ngoại. Rồi đến vụ Võ Đình ở Montreal rồi lằn ranh quốc-cộng xuất hiện khiến văn-nghệ sĩ thêm chia rẽ, đối đầu, cả xem nhau như kẻ thù, "tay sai” của trong nước, ... và sinh hoạt văn-học bắt đầu yếu dần.
Các tác phẩm xuất bản vào giai đoạn này tiếp tục nhớ về thời xưa quê cũ và làm rõ tâm thức hoài niệm như là đề tài và nội dụng của nhiều tác phẩm thời này song hành với ý hướng nhìn về trong nước. Tác giả mới trong thời này: Cao Đông Khánh, Khánh Trường, Phạm Ngủ Yên, Trần Doãn Nho, Nguyễn Chí Kham, Đặng Hiền, Song Vinh, Hoàng Mai Đạt, Nguyễn Tường Phong, Hoàng Thị Bích Ti, Trần Thái Vân, Nguyễn Phước Nguyên, Đinh Phụng Tiến, Cao Xuân Lý, Vũ Nam, Ngự Thuyết, Thường Quán, Nguyễn Mạnh An Dân, Phạm Xuân Đài, Trần Sĩ Lâm, Song Thao, Hoàng Nga, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Khánh Hà, Trúc Chi, Nguyễn Sao Mai, Quan Dương, Yên Sơn, Trương Anh Thụy, Trần Yên Hòa, Dư Thị Diễm Buồn, Nguyễn Thị Bích Xuân, Dương Như Nguyện,... bên cạnh những nhà văn đã khởi nghiệp văn từ trước như Đoàn Thêm, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Phan Lạc Tiếp, Duy Lam, Nguyễn Thị Vinh, Cao Mỵ Nhân, Trần Hồng Châu, Nguyễn Xuân Thiệp, Thanh Thương Hoàng, Kinh Dương Vương, Hoàng Ngọc Biên, Hà Bỉnh Trung, Khế Iêm, Trần Văn Nam, Triều Hoa Đại, Huy Trâm, Thanh Thanh, Trần Vấn Lệ, Diễm Châu,...
Không khí chiến tranh vẫn hiện diện trong các tác-phẩm của giai đoạn này với tác phẩm mới của Đỗ Tiến Đức, Nguyên Vũ, Phạm Kim Khôi, Hoàng Liên, Trần Thy Vân, Nguyễn Mạnh An Dân, Trương Dưỡng, Dương Tiến Đình, Trường Sơn Lê Xuân Nhị, Chu Tất Tiến, Trần Sĩ Huân, Nguyễn Chí Thiện, Kiều Mỹ Duyên và Điệp Mỹ Linh, ... Ở vào giai đoạn này, đã bắt đầu có những cây bút can đảm nói thật những suy nghĩ riêng tư dù vẫn có thể phiền những người quá khích một chiều, cả hai phía. Người viết lịch sử sau này cần biết đến những nhân chứng này - cũng như cần đến những ký sự của các vị lãnh đạo hai bên. Họ là Phan Nhật Nam, Thảo Trường, Trần Hoài Thư, Vĩnh Hảo, Nguyễn Bửu Thoại, Ngô Thế Vinh, Phạm Thị Hoài, ...
GIAI ĐOẠN LÃO HÓA & CHUYỂN ĐỘNG THẾ KỶ (2001-2015)
Đến đầu thiên niên kỷ thứ Ba và thế kỷ mới XXI, sinh mệnh văn-học hải-ngoại cũng bước vào một giai đoạn mới chuyển động thế kỷ và lão hóa theo lẽ tự nhiên, và ngày càng thêm nhân tố di dân từ trong nước ra nhập cộng đồng hải-ngoại, nhân tố này có phần khác hẳn với lớp cũ. Tuy nhiên đa số vẫn là tập thể tị nạn cùng con cháu họ và nói chung mang cùng tâm thức.
Sinh hoạt văn-chương hải-ngoại như đã theo dòng sinh hoạt mà trở nên trầm lắng, rất ít biến cố và tác-phẩm đáng kể. Các nhà văn thơ đã nổi tiếng từ trước 1975 lần lượt ngưng viết, hoặc qua đời. Những nhà văn lớp tiếp theo cũng thay nhau buông bút nhưng cũng có nhiều người tiếp tục sáng-tác dù không gây tiếng vang quan trọng. Vào những năm cuối giai đoạn xuất hiện “hiện tượng” nhà văn thơ dễ dàng và dễ dãi xuất bản qua không gian internet và phát hành / in theo lối tối thiểu không nộp bản cũng không cần ra mắt sách hay giới thiệu phê bình trên các báo.
Điểm đặc-biệt đáng ghi nhận là từ vài năm ngay trước và nhất là từ giai đoạn này, nội dung của từ “lưu vong” bớt được dùng (làm như bớt bi thảm, cũng có nghĩa sự bi thảm nhẹ đi), nhà văn nhà thơ hải ngoại nói đến quê nhà nhiều hơn, theo nghĩa gặp lại hơn chỉ là nhớ lại - nghĩa là có hy vọng theo 2 nghĩa: trong nước nới lỏng kiểm soát di chuyển, thăm viếng và du lịch đối với người Việt hải-ngoại về, và nhà văn thơ hải-ngoại có thể nói đến quê-nhà nhiều hơn, theo nghĩa, gặp lại hơn chỉ là nhớ lại! Một số nhà văn tị nạn đã hồi hương và đã tiếp xúc với thực-tại mới trong nước; một số liên hệ văn học (văn và người) đã khó khăn nay dần dà thành hình Nhiều nhà văn đã thành công vượt thoát những cái nhãn hiệu hoặc kìm hãm các giai đoạn trước đó nhưng nói chung, ở hải-ngoại, văn chương vẫn lưu đày, hoài niệm, và lúc nào cũng tự do, chân-thật hơn!
Nếu bên sáng tác, Hà Thúc Sinh đã nhìn lại sự nghiệp làm cuộc Tống Biệt Hai Mươi (Xuân Thu, 1999), thì bên báo chí, tờ Việt ở Úc đã khởi động cho cuộc vận hội mới từ hơn 2 năm trước đó và tạp chí Chủ Đề ở Hoa-Kỳ tiếp nối về chủ đích dự phóng văn học mới. Dọn đường thì không thể không nói đến tờ nguyệt san Thế Kỷ 21 của công ty Người Việt Inc. ở Quận Cam California. Thế-Kỷ 21 ở 12 năm trước đã sớm nhắm thế kỷ XXI sẽ tới nhưng nhiều mục đích làm báo hơn và vẫn dựa nhiều vào quá khứ, nhân sự tự thỏa mãn và cộng tác viên víu thân thế, đã không thực sự tham gia việc chuyển đổi văn hóa.
Cũng từ những năm đầu thế kỷ mới, một số tạp chí hải ngoại dấn thân vào những miền đất mới, taboo, hoang, lạ, tinh thần khai phóng nhưng nhân bản, tự nhiên – vốn là kỵ tránh trước đó của văn chương, xã hội. Trang mạng Da Màu bắt ngọn từ đó và nay đã trở thành diễn đàn văn-chương nghệ-thuật đáng kể. Các tạp-chí thuần túy văn-chương góp phần làm trưởng thành văn học hải ngoại nhưng rồi các tạp-chí này không sống lâu vì với thời-gian bắt đầu dần chết theo đà lão hóa của cộng đồng và giới trí thức (người đọc. người viết đều lớn tuổi, bệnh tật, chết; tuổi trẻ tiếp nối rất ít hoà hội nhập dòng chính Âu Mỹ). Các tạp-chí văn-chương thì lâm vào khủng hoảng thứ nửa vì hình như tinh thần gìn giữ văn học truyền thống, dân tộc, dần mất ý nghĩa và sự cấp thiết, và cuối cùng, tiến bộ của kỹ thuật thông tin với mạng lưới Internet lớn mạnh khiến khó có bài vở độc đáo cho báo giấy và độc giả cũng như các nhà văn nhà thơ hội nhập theo.
Thời này, thơ văn vẫn mạnh về số lượng nhưng không nhiều mới lạ thôi thúc người đọc khám phá và chưa đủ để làm sống động sinh hoạt văn học như trước. Thơ vẫn là bộ môn có nhiều ấn phẩm nhất nhưng từ nay phần lớn “tôi xuất bản tức là tôi hiện hữu” cốt để tặng bạn bè và gia-đình hoặc giới thiệu qua các buổi ra mắt sách địa phương. Trong số có thể ghi nhận Viên Linh, Hải Phương, Huy Phương, Nguyễn Nam An, Đức Phổ, Vinh Hồ, Hoa Văn, Trần Mộng Tú, Ngô Tịnh Yên, Lê Hân, Lê Giang Trần, Trần Phù Thế, Phạm Hồng Ân, Hoàng Xuân Sơn, Ngu Yên, ... có tác phẩm mới. Những khuôn mặt mới: Trạch Gầm, Hoài Ziang Duy, Tràm Cà Mau, Hoài Mỹ, Tâm Thanh, Đỗ Hùng, Lê Thị Thấm Vân, Đặng Mai Lan, Đặng Thơ Thơ, Trần Thị Diệu Tâm, Cung Thị Lan, Tiểu Thu, Hoàng Quân, Phạm Tín An Ninh, Tiểu Tử, Võ Phú, ... Thêm các hồi ký của Võ Long Triều, Lê Xuân Khoa, Vũ Quốc Thúc, Diệu Tần, Vũ Ánh, Lm. Nguyễn Hữu Lễ, ...
GIAI ĐOẠN “KHÔNG GIAN MẠNG” TOÀN CẦU (2015-2025)
Đây là một giai đoạn khó khăn cho những ai muốn theo dõi các sinh hoạt và ấn phẩm. Ngoài các sinh hoạt theo nhóm, địa phương, hoặc đoàn thể, xuất xứ, nay thêm các ấn phẩm xuất phát toàn cầu hoặc địa lý không còn cùng quan trọng. Thời đại mới phương tiện xuất bản cũng cập nhật với hệ thống bán sách giấy và số hóa qua một số công ty quốc tế như amazon.com, lulu.com, ... Các nhà Nhân Ảnh, Người Việt, Văn Học Press, Sống, Văn Học Mới, ... và một số cá nhân và “tác-giả tự xuất-bản” trong những năm sau này đã cho ra phát hành khá nhiều tựa sách. Với cách xuất-bản này thì biên giới trong-ngoài của văn học Việt Nam đã dần biến dạng và có thể hết còn biên giới dù con người (“chống đến cùng”, “canh gác”) và chế độ (“đỉnh cao”, “ưu việt”) có không muốn đi nữa! Nhưng phương tiện phát hành dân chủ tự do của thời xuất bản book-on-demand “hậu hiện đại” này lại làm nảy sinh vấn đề nội-dung và giá trị văn chương thật sự của các ấn phẩm. Các tác giả có tác phẩm tiếp tục xuất bản có thể kể Khánh Trường, Song Thao, Cung Tích Biền, Đỗ Quyên, Thận Nhiên, Luân Hoán, Đinh Cường, Trần Hoài Thu, Lê Mai Lĩnh, Phương Tấn, Võ Thạnh Vân, Trần Vấn Lệ, ...
MỘT SỐ NHẬN XÉT
Văn-học hải-ngoại có một đặc điểm có tính bao trùm là “tính chính-trị" vừa là động cơ, là lý do tồn tại, hiện hữu, vừa là mục-đích. Nếu không tranh đấu tiêu diệt chủ nghĩa cộng-sản và những thế lực làm kiệt quệ đất nước, làm dân tộc mất quyền tự chủ thì là tranh đấu, vận động cho tự do dân chủ và quyền làm người. Mà nhân quyền và quyền dân sự thì phải đấu tranh mới có. Đa số người viết ở hải ngoại viết để giải tỏa, viết vì không thể không viết, viết để tỏ thái độ chính trị của mình. Tính phản kháng đã nằm trong đặc tính chính trị của nền văn học này. Các bút ký và hồi ký trong hoàn cảnh chung của người Việt phải rời khỏi nước thường mang tính cách chính trị, chúng có tính cá nhân nhưng thường chung mẫu số với nhiều người trong cùng hoàn cảnh, do đó mang thêm tính tập thể, cộng-đồng! Đây là nhân chứng của tấn bi kịch chung trong đó có cuốn có giá trị văn-học đặc biệt.
Nói chung, chủ đề tư tưởng của văn học lưu vong tỵ nạn không phải là khía cạnh đi tìm sự giải phóng cho chính bản thân mình mà là giải phóng cho tập thể! Có lưu vong vĩnh viễn, tự nguyện, có lưu lạc sống tạm xứ người, có di dân kinh tế, ... nhất là ở những địa phương đông đảo người Việt khiến có thể sống và viết bằng tiếng Việt không cần hội nhập (cả thi lái xe và nhập quốc tịch có nơi bằng tiếng Việt!), nhưng cốt lõi nhân sự và tâm thức của cộng đồng người Việt hải-ngoại có tính chính-trị, là chính-trị, theo nghĩa đối kháng với chế độ và chủ nghĩa cộng-sản ở trong nước, hoặc tranh đấu cho những lý tưởng chính-trị muôn đời như tự do, dân chủ và nhân bản, và đặc biệt luôn nhắm đến quê nhà và nước Việt – có nghĩa hải-ngoại là không gian duy nhất còn lại đối với người Việt để viết và nói lên những điều này, kể cả những người rời nước công khai và chính thức về sau. Những năm gần đây, tính chất “chính trị” không biến dạng nhưng đã mờ dần trong nội dung. Mặt khác, những tác phẩm về tính-dục, tâm-linh cũng như cách tân hình thức những năm gần đây đã khiến đề tài chiến-tranh mờ đi và mất đi tính sống-còn và 'cao cả'.
Hơn 50 năm văn-học hải-ngoại nói chung rất dồi dào về số lượng tạp-chí và ấn phẩm, nhưng có bao nhiêu tác phẩm thật sự văn-chương, và về thể-loại truyện và tiểu thuyết thì có bao nhiêu đáng được xem là tác phẩm văn chương? Nói chung một cách tương đổi, trong 50 năm, hải ngoại đã có những tiểu thuyết có giá trị nhưng hình như chưa có những tác phẩm lớn! Vì việc sáng tác và xuất bản tiểu thuyết hàm chứa ngõ cụt, đường cùng của một sự nghiệp văn chương. Thành ra có những dấn thân như ảo tưởng vì cứ hăng liên tục khi không còn bãi chiến trường, ... kỷ niệm trở nên mệt mỏi, văn chương giật lùi. Trong các thập niên sau này, vì tình trạng lão hóa chung và ít biến cố văn học cho nên thơ truyện được xuất bản ít hơn nếu so với những năm cực thịnh 1985-1986 nhưng nhảy vọt từ khi có khuynh hướng xuất bản và phát hành trên mạng Internet. Nếu cộng lại thì không biết “tác phẩm” nhiều hay “ấn phẩm” và “nhà văn” nhiều?
Mặt khác, văn học Việt-Nam nói chung là một nền văn học nặng truyện kể hơn là “sáng tạo” văn-chương dù vẫn có những canh tân, hiện-đại và hậu hiện-đại hóa! Các truyện và tiểu thuyết thời này phần lớn là truyện - chuyện dài hay chuyện kể! Từ đời sống lưu vong từ những ký ức còn lại hay từ các trại cải tạo địa ngục trần gian hoặc các chuyến vượt biên và các trại tị nạn.
Nội-dung và các khuynh hướng văn học, ít ra là các tác phẩm xuất hiện trên tạp-chí văn-học và được xuất bản thường thay đổi theo những biến cố quan trọng về chính trị, xã hội và văn chương. Suốt 50 năm văn học hải-ngoại đã cho thấy sức sống của một số khuynh hướng và nội-dung. Nói chung, đặc điểm đầu tiên của văn học hải-ngoại từ 50 năm qua, là sự gắn liền mật thiết với thời gian dù yếu tố không gian cũng quan trọng không kém.
Đa số các tác-phẩm văn học hải ngoại nhất là vào hai thập niên đầu có đề tài về Thời cũ, Đất cũ, có thể chia các tác phẩm loại này thành hai bộ phận: hoài niệm và chiến tranh. Kế đến, sự hội nhập chẳng đặng đừng, của dĩ lỡ hôm nay, ở nơi cũng đành của xứ người - một quê-hương mới hay thứ hai, thứ ba: đất lưu trú, cõi tạm. Nếp sống ngày càng cá nhân, gia đình dần xa, sự cô đơn phải đến.
Trong gần nửa thế kỷ qua, thế-giới đã nhìn thấy sự hình thành của một tập thể lưu-đày mới mang tên “Việt Nam”. Và một “nền” văn-học từ tình cảnh đó phát sinh và lớn mạnh: sau 1975, ý niệm “lưu đày”, “lưu vong” đã đến với văn chương Việt Nam và đã thay đổi nội dung nhiều lần. Quá Khứ là đề tài thường thấy nhất! Người lưu đày có những nhu cầu, hy vọng và những âu lo riêng. Trong tình cảnh đó, quá khứ trở thành tổ ấm, ngọn lửa. Thời gian đã qua khiến dĩ-vãng trở thành một thực tại thường trực, bất biến! Quê hương của người lưu đày như đối với người Việt sau tháng Tư 1975 là một quê hương đã mất nhưng đồng thời quê hương đó cũng trở nên không chắc chắn, mơ hồ vì cái mất mát ở đây không thể đo lường, thống kê. Đây là lý do tại sao văn chương "miệt vườn" nở rộ suốt gần hai thập niên đầu! Lần đầu người miền Nam lục-tỉnh xa quê, tâm tình lưu đày đặc biệt, nông nỗi, mãnh liệt. Kẻ Lạ (người ngoài, người xứ khác,..) là đề tài khác thường thấy. Trong diễn trình hội nhập, phát hiện khủng hoảng về cội nguồn, căn cước, diện mạo (ta là ai?). Từ tâm trạng cô quạnh, bất khả cảm thông với con người và không gian xã hội mới, nếu (phải) bước ra trong thời gian đầu người lưu đày có tâm thức bị bỏ rơi, vô định, sau đó tâm thức đó trở thành tâm thức kẻ lạ như bất cứ di dân nào khác chung quanh. Đề tài Cái Chết trở lại thường xuyên với người viết lưu-đày, ban đầu liên hệ đến sự rời bỏ quê-hương, người thân, về sau do tâm sinh lý của lão hóa.
Mặt khác, từ những miền đất lưu đày, thời gian đã biến thành “đất tạm dung” hoặc xa hơn, “quê hương mới”. Đưa đến đề tài cuối nhưng ngày càng hiện diện trong văn-chương chữ nghĩa là Hội Nhập và con nuôi - kẻ thành công hội nhập, kiểu "vẻ vang dân Việt". Đây là chuyện thế hệ nối tiếp, thứ hai, họ thành công vượt thoát quá khứ để hòa mình vào thực tại, nhưng có người vẫn bị xung khắc nội tâm và xã hội dù ít hơn thế hệ đầu. Hai thập niên sau, văn học hải ngoại dần dà lão hóa đồng hành với nhu cầu tâm linh càng lớn mạnh. Trong một số tác-phẩm, đời sống tâm linh được chú tâm hơn và một cái nhìn khác về đời sống ở đất người, rồi đến kêu thương, cứu rỗi. Nhu cầu tìm cứu rỗi vì tâm linh bị động, vì con người đang bị nhiều chứng nan-y làm mục nát thể xác cũng như tinh thần. Chúng ta có thể nói đến một truyền thống văn-học tâm linh, với những tác-phẩm (đề tài, bối cảnh) và nghệ thuật của một số tác giả.
Văn-học hải-ngoại đã có những thành tựu cũng như cách tân về các thể-loại thơ và tiểu thuyết: trường thiên với Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, truyện và tiểu thuyết của Lâm Chương, Đặng Thơ Thơ, Trần Vũ, Trịnh Y Thư, ..., truyện-thật-ngắn của Võ Phiến, Hà Thúc Sinh, thơ của Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Thiệp, Khế Iêm, Nguyễn Đăng Thường, ...
Một hiện tượng đáng kể là các nhà văn nữ nhưng phẩm lượng trội bật lên xuống theo giai đoạn. Có thể nói ở hải-ngoại, nam hay nữ phái đều được tự do và đồng đẳng trong sáng-tạo, trước tình yêu, cuộc đời, hạnh phúc và cả cái chết. Các nhà văn thơ nữ mạnh mẽ khai phá văn chương cũng như thể hiện nữ quyền và giải phóng tính dục.
Văn học hải ngoại mang tính lưu vong tập thể, bị đàn áp, bị ép buộc phải bỏ xứ, là văn-học của dân-tộc Việt nói chung. Nền văn học ấy đã hình thành trong một hoàn cảnh lịch sử bi đát và đã phát triển thành một thực thể đáng kể. Thành quả đó đã là sản phẩm vật chất (tác phẩm, báo chí) và tinh thần (tự do, dân chủ, khai phóng, trách nhiệm) đồng thời góp phần hình thành phát huy những nền tảng văn hóa căn bản cho con người và đạo đức Việt-Nam.
50 năm trôi qua, lúc này mới thấy những tấn công của CS trong nước và thân Cộng ở ngoài nước nhắm vào Văn-học hải ngoại là sai lầm và thiển cận, với những lập luận đại khái như “Nhóm nhà văn nhà thơ lưu vong ... đang xây dựng cái gọi là một nền Văn học Việt Nam lưu vong ở hải ngoại. Nhiều người cho rằng việc làm này quả đầy tham vọng và không tưởng...” hoặc cố chấp “Mười hai năm [1975-1987] còn là thời gian quá ngắn để hình thành một nền văn học của cộng đồng Việt kiều” (Theo tập Thơ Văn Người Việt Nam ở Nước Ngoài. NXB TpHCM, 1990), họ đã không nhìn thấy tập thể người Việt hải ngoại đã đồng lòng cùng hình thành một nền văn học khai phóng và đúng nghĩa “văn chương” với hàng trăm hàng ngàn tác phẩm thơ văn đúng nghĩa chỉ sau 12 năm! Mà nay, đã 50 năm, cái còn lại của văn học hải-ngoại vừa qua là tính cách dân tộc, hiện đại, khai phóng và nhân bản cũng như hội nhập mà một số tác giả đã thành công để lại qua tác-phẩm! Hành trình của văn học hải-ngoại cũng là hành trình của người Việt nói chung đứng trước hiểm họa vong thân và ngoại xâm, lãnh thổ cũng như tâm hồn, đã đi từ kiếm tìm căn bản dân tộc đến với hiện đại, nhân bản, từ cái lõi chung dân tộc đến lõi phổ quát chung của gia tài văn hóa nhân loại!
50 năm, đã có nhiều thế hệ văn-học hải-ngoại tiếp nối nhau hiện diện, ban đầu và đa phần hướng về quá khứ, nhưng “quá khứ” trong trường hợp Việt Nam sẽ là “tương lai”, vì văn học, văn hóa nước Việt trong tương lai sẽ bao gồm cái “quá khứ” đa dạng của văn học và con người hải ngoại.
Nguyễn Vy Khanh
Comments
Post a Comment